Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

81 Bài viết về CCHC theo yêu cầu của CCB

81 Bài viết về CCHC theo yêu cầu của CCB



Bài viết dự thi
“Tìm kiếm sáng kiến về cải cách thủ tục hành chính”
Người viết: Nguyễn Đức Thuần sinh năm 1933, 55 tuổi Đảng, Nhà giáo ưu tú, ở 1705/18T1 Trung Hòa Nhân Chính Thanh Xuân Hà Nội; Điện thoại 0914.72.76.20 hay 04.625.106.52; Email: ndthuan31@gmail.com. Tôi xin viết 1 chùm 3 bài chung một đầu đề
Cải cách thủ tục hành chính dưới vài góc độ nhìn.
Cải cách hành chính đang được chọn là khâu đột phá mũi nhọn của Hà Nội nhằm thực hiện việc tổ chức tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế "một cửa". Tuy nhiên, khâu “đột phá” này tới nay chưa đạt được hiệu quả như mong muốn và nhiều người dân, cán bộ, doanh nghiệp khi tới cơ quan chức năng để giải quyết các thủ tục hành chính vẫn chưa hài lòng.
Đây là vấn đề lớn nó có quá trình tồn tại lâu đời và phát triển, ai cũng trông thấy cần phải đổi mới, phải cải cách thủ tục hành chính, cũng đã nghiên cứu đưa ra giải pháp này, giải pháp khác theo hướng chỉ qua “một cửa” làm hài lòng dân nhưng xem ra còn nhiều “rào cản hữu hình và vô hình”, cần nghiêm túc lắng nghe dưới vài góc độ nhìn cơ bản và toàn diện, xin trình bầy dưới chùm 3 bài chính như sau:
Bài 1: Cải cách thủ tục hành chính nhìn ở góc độ người đứng đầu các ngành, các cấp còn yếu kém gì?
Bài 2: Cải cách thủ tục hành chính dưới góc độ người trực tiếp quan hệ với dân ở các cơ quan “một cửa”:
Bài 3: Cải cách thủ tục hành chính dưới góc độ người dân có nhu cầu:
***
  Bài 1: Cải cách thủ tục hành chính nhìn ở góc độ người đứng đầu các ngành các cấp còn yếu kém gì?
1.     Chưa quy hoạch bắt buộc những người đứng đầu phải chuẩn hóa về trình độ công nghệ thông tin và ứng dụng nó trong cải cách thủ tục hành chính?: Hiểu biết và đủ trình độ sử dụng công nghệ thông tin hiện đại của người đứng đầu các ngành các cấp chưa đặt ra đúng mức kịp thời và cần thiết trong điều kiện bùng nổ khoa học công nghệ thông tin và các phần mềm ứng dụng của nó là một trở ngại hàng đầu cản trở và làm chậm tiến độ cải cách thủ tục hành chính, thậm chí chỉ lớt phớt bề ngoài, kêu gọi chung chung, trì trệ trọng phát triển đổi mới mạnh mẽ ở mức độ cần thiết và với tốc độ nhanh tiến tới chuẩn hóa..Nếu như trước đây về mặt tiêu chuẩn hóa trình độ chính trị cơ bản, ta đã đặc biệt coi trọng phải chuẩn hóa tùy cấp phải có trình độ sơ cấp, trung cấp và cao cấp chính trị rồi phải mở ngay các trường lớp, rồi học viện để đào tạo chuẩn hóa tập trung và tại chức cho bằng được; hay khi cần chuyển biến về “quản lý kinh tế” cũng đã mở đầu bằng bắt buộc đi học tập trung 3 tháng về quản lý kinh tế, mở hết lớp này đến lớp khác, coi như mọi cán bộ quản lý các cấp đều buộc phải tập trụng học bằng được có kiểm tra cấp giấy chứng nhận. Cũng lập luận như vậy, tại sao ta không quy hoạch chuẩn hóa buộc mọi cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp phải chuẩn hóa từ sơ học đến trung học rồi cao cấp về hiểu biết và ứng dụng công nghệ thông tin? Thực ra học cái này còn lâu hơn, khó hơn học lý luận chính trị hay lý luận quản lý kinh tế vì phải có thời gian cần thiết để thực hành cho quen và có kỹ năng thành thạo nhất là khi ít hiểu biết về tiếng Anh chuyên dụng cho máy vi tính v.v. để còn phải tự học tự nâng cao tiếp.Ta chưa làm vấn đề này gay gắt thì dù có kêu gọi đến đâu, đề ra “khâu đột phá” cũng chỉ để tỏ ra có quyết tâm mà thôi, không bao giờ có thể đổi mới chuyển biến cơ bản được vì ngày nay mọi việc muốn đổi mới nhất thiết phải gian khổ học tập thực hành ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực, càng chậm càng lạc hậu và tụt bậc nhanh chóng trong đánh giá mà ta đang vấp phải, rất khó khắc phục vì sức cản, sức ỳ đang nằm trong những người đứng đầu ở các cấp ít hiểu biết về khoa học công nghệ thông tin. Tôi tin rằng nếu Bác Hồ còn sống, Bác Hồ đã sớm buộc kêu gọi diệt giặc dốt này như ngày 17/10 năm 1945 Bác đã kêu gọi ngay diệt giặc dốt (nạn mù chữ) xếp thứ tự ưu tiên ngay sau giặc đói, trước cả giặc ngoại xâm. “Mù công nghệ thông tin” này nay chính là mù chữ thời hiện đại.. Hãy làm ngay việc này đi trước một bước dài, coi đây phải là “khâu đột phá của đột phá” mà ta đã từng kêu gọi khâu đột phá cải cách thủ tục hành chính qua “một cửa” nhiều năm trước đây mà hiệu quả còn hạn chế. Thử nhìn phường Khương Mai quận Thanh Xuân Hà Nội là phường đầu tiên có trang web (Khương Mai là phường đầu tiên tại Hà Nội có trang Web chính thức dành cho chính quyền phường giao tiếp với nhân dân trong phường theo .bách khoa thư mở Wikipedia) thì người đứng đầu là Chủ tịch phường Phạm Văn Hiện là người đã xây dựng trang web và được một nhóm bạn bè cùng nghề công nghệ thông tin cộng tác hỗ trợ vận hành. Chủ tịch phường đã có văn bằng 2 chuyên ngành CNTT của Ðại học Bách khoa HN. Chính chủ tịch phường làm “tổng biên tập” trang web này và 2 phó chủ tịch là “biên tập viên”, giúp việc có 2 cán bộ văn hóa thông tin và một cán bộ văn phòng (trang web riêng của phường mà chủ tịch trẻ này ấp ủ từ năm 2007 và đến tháng 8/2008 thì website chính thức ra mắt với địa chỉ: http://www.phuongkhuongmai.gov.vn.) Nếu những người đứng đầu cấp trên cũng có trình độ thực cần thiết về công nghệ thông tin thì trang web đi đầu này sẽ được nhân lên vì đã 5 năm trang web này không ngừng phát triển, vì chính trang web này đã từng bước mày mò ngoài việc thông tin tuyên truyền nhưng bước đầu đã có những cải cách thủ tục hành chính như “Đăng ký kết hôn trực tuyến”, “Đăng ký khai sinh trực tuyến” v.v. tuy chưa được nhiều.
2.     Từ góc nhìn này xin kiến nghị cần làm ngay, làm gấp bồi dưỡng bán tập trung và tại chức để các người đứng đầu kiên trì buộc phải thanh toán nạn “mù công nghệ thông tin” để tiếp tục tự học thực hành nâng cao. Mặt khác quy hoạch tăng đầu tư cán bộ trẻ được học bài bản về CNTT đưa dần vào bộ máy dự bị thay thế hay sớm thay thế cán bộ đứng đầu không chịu vươn lên về lĩnh vực này. Đây là điều kiện cần hàng đầu để nhanh chóng tổng tiến công vào khâu đột phá cải cách thủ tục hành chính mới hy vọng nhanh chóng đồng bộ và có hiệu quả trên diện rộng tác động qua lại cùng phát triển.(tôi về hưu năm 1993, thời tôi làm việc làm gì có máy vi tính, chẳng biết gì về công nghệ thông tin, năm 2000 mới tỉnh ngộ thấy cái dốt nhất của mình và quyết tâm bỏ tiền ra đầu tư trang bị đầy đủ rồi kiên trì học, càng học càng thấy dốt, càng học càng thấy hay, hiện đại rồi say mê vận dụng nó trong quản lý tổ, trong quan hệ học tập, viết báo  v.v. nên mới thấm và có thêm góc nhìn này)

Tóm lại: Cải cách thủ tục hành chính phải đồng bộ bắt đầu từ nâng trình độ các người đứng đầu như đề nghị trên và phải nhân nhanh cũng như giúp đỡ các điển hình đã tốt phải tốt hơn như phường Khương Mai quận Thanh Xuân hay cách làm mới của quận Long Biên. Hãy “Khương Mai hóa” tại quận Thanh Xuân lan tỏa sang quận Long Biên và hãy “Long Biên hóa” tại tất cả các quận huyện. (Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Phùng Văn Thiệp: "Qua tổng hợp, theo dõi cho thấy, quận Long Biên có những nội dung trong công tác CCHC vượt trội so với các đơn vị trong toàn thành phố. Nhận thức đúng đắn của đội ngũ lãnh đạo và cả hệ thống chính trị cùng với cách triển khai công việc phù hợp đã tạo sự chuyển biến rất rõ nét trong việc ứng dụng CNTT, trong ứng xử giao tiếp của CBCC. Đây thực sự là mô hình để nhiều đơn vị khác tham khảo, nghiên cứu áp dụng vào thực tế của địa phương mình. Trích bài viết của Phong Thu “Quận Long Biên: Điểm sáng về cải cách hành chính trên Hà Nội điện tử thứ bầy 06:15 27/07/2013 )

.                                                                    ***

Bài 2: Cải cách thủ tục hành chính dưới góc độ người trực tiếp quan hệ với dân ở các cơ quan “một cửa”:
1.     Những người trực tiếp quan hệ với dân ở bộ phận “một cửa” thường trẻ hơn hay mới tuyển dụng đều có am hiểu và sử dụng được công nghệ thông tin trong thi hành nhiệm vụ nhưng họ cũng chỉ làm theo quy định của cấp trên theo “quy trình xác định”.Nói cách khác họ đâu có quyền “vận dụng sáng tạo dựa vào sự thông minh của họ”.Thí dụ khi nhập hộ khẩu cho vợ chồng con trai tôi vào căn hộ mới mua ở nhà chung cư mới xây đưa vào sử dụng, đã có sổ đỏ nhưng cán bộ “một cửa” cấp quận hướng dẫn cung cấp đơn khai về phường xin xác nhận “địa chỉ căn hộ này không có tranh chấp”. Khi về phường làm thủ tục xác nhận mặc dù có cán bộ dân phố đã xác nhận không có tranh chấp nhưng “quy trình xét nhà có tranh chấp” phải chờ xác minh  tối đa 5 ngày, có 2 ngày nghỉ nên lại hẹn tuần sau (phó chủ tịch phường giải thích như vậy). Tôi phàn nàn với bí thư đảng ủy vì tôi là cán bộ khu dân cư kiêm tổ trưởng dân phố quá nhiều người biết, nhà chung cư mới xây dựng, mới mua có sổ đỏ đúng tên đàng hoàng, làm gì có tranh chấp? Đ/c bí thư đến bộ phận 1 cửa lấy lại giấy tờ đi làm hộ thủ tục thì chỉ vài phút là xong, tôi không phải chờ thêm một tuần nữa “theo đúng quy trình cấp trên quy định”? Từ thí dụ trường hợp cụ thể này, nếu giao quyền cho cán bộ “một cửa” sáng suốt thông minh vận dụng “bản chất không tranh chấp” thì ngay tại cấp quận cũng có thể “tự quyết đủ điều kiện” cho làm thủ tục nhập hộ khẩu cho con vào căn hộ của bố mẹ đẻ mới mua lại chính bố mẹ tự đứng ra xin làm thủ tục, cần gì phải “bắt về phường xin xác nhận không tranh chấp” và ngay cấp phường cũng chẳng cần “máy móc” chờ xác minh để không phải hẹn tuần sau mới trả kết quả. Những cái chưa hài lòng này lại bắt nguồn từ quy định của cấp trên, cấp dưới, người thi hành chỉ biết làm theo, đâu có dám sáng tạo vận dụng sao cho nhanh nhất, đỡ mất thì giờ đi lại, chờ đợi của dân!?. Nói cách khác sẽ còn nhiều quy định phải xem xét lại để thuận lợi hơn cho dân, giảm bao nhiêu thời gian đi lại chờ đợi của dân có nhu cầu: “thời gian là vàng bạc mà”, nhân lên muôn dân ở khắp nơi sẽ đại lãng phí!
2.     Việc ký đóng dấu xác nhận ở bộ phận “một cửa” cũng đủ làm mất thời gian chờ đợi của dân, đâu có “vì dân” do chính quy định về tổ chức bộ máy của chúng ta hiện hành? Người ký xác nhận các thủ tục hành chính thường bận, tranh thủ họp hành, không thể ký ngay được, thường phải hẹn đến chiều, coi đó như là tất yếu, trừ trường hợp quen biết tranh thủ xin ngay chữ ký hộ. Tôi nhớ lại thờ xưa, “thời Pháp thuộc” mỗi xã có “ủy viên thư ký” những việc như khai sinh, khai tử, xác nhận này nọ thì “ủy viên thư ký thay mặt lãnh đạo ký ngay”, đóng dấu bồ dục ký tên ủy viên thư ký là có giá trị, dân đâu có phải chờ. Ngày nay ta lại có lắm nhu cầu về xác nhận thủ tục này nọ lại không có chức danh này nên dân buộc phải chờ ngay cả các xác nhận thông thường về công chứng bản sao hộ khẩu, sao giấy khai sinh, văn bằng, chứng minh thư nhân dân, sổ đỏ chẳng hạn. Ở nhiều cơ quan có chánh phó văn phòng thì sao cấp phường xã không có chánh văn phòng hay ủy viên thư ký để lo thủ tục nhanh cho dân.Bác Hồ từng dạy “việc gì có lợi cho dân thì làm”. Sao mãi không tìm cách làm dù đã rất muốn cải cách thủ tục hành chính? Xét đến cùng là phong cách lãnh đạo, tổ chức bộ máy ở cơ sở chưa thực sự vì dân, hết lòng lo cho dân.
3.     Tóm lại ở bộ phận “một cửa” trực tiếp với dân cần nghiên cứu chấn chỉnh: Phải có người ký xác nhận ngay để có thể trả ngay kết quả cho dân sau một giờ chờ đợi những việc đơn giản đang chiếm đa số, trừ nhưng việc phức tạp buộc phải chờ đợi nghiên cứu xác minh. Phải giao cho cơ sở được quyền nghiên cứu sáng tạo vì trách nhiệm trước dân, làm nhanh nhất cho dân để nhanh chóng sửa đổi các quy định, các quy trình chưa sát đối với các trường hợp đặc biệt, thật lòng vì dân.


      Bài 3: Cải cách thủ tục hành chính dưới góc độ người dân có nhu cầu?
Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề quan hệ tới đời sống của dân, dầu khó đến đâu mặc lòng. Hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân phải được đặc biệt chú ý...
Trích bài Bác viết với bút danh Chiến Thắng, báo Cứu quốc, 12-10-1945
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia
Cải cách thủ tục hành chính là đặc biệt quan hệ mật thiết với dân cho nên phải nghiêm túc trân trọng lắng nghe ý kiến người dân có nhu cầu để “dân yêu, được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Với quan điểm cơ bản này, dưới góc độ người dân có nhu cầu xin kiến nghị:
1.     Hãy xem một ví dụ nhỏ: Ngành bảo hiểm xã hội chi trả lương hưu cho người đăng ký xin lĩnh lương qua thẻ ATM bắt người lĩnh lương này 6 tháng phải một lần trực tiếp đến phường ký lại, nếu không phải đến phòng bảo hiểm xã hội quận xác nhận vẫn sống, vẫn xin tiếp tục lĩnh lương qua ATM. Ngành bảo hiểm quận giải thích cấp trên quy định như vậy, đề phòng trường hợp người này chết ở nơi khác không biết mà người nhà vẫn lĩnh lương v.v.Người có nhu cầu như bản thân tôi và vợ tôi là người đầu tiên xin lĩnh lương hưu qua ATM lại có nhu cầu đề nghị như sau: Người chết thì ít, người sống thì nhiều như vậy là “hành người còn sống là đa số”? có cách nào làm khác không?. Giả thử người đó đi tạm thời thăm hay đến ở với con ở thành phố khác hoặc ở nước ngoài hay đang nằm viện cấp cứu vào đúng thời gian phải đăng ký lại chữ ký thì làm sao đây? Người này vẫn cần lĩnh lương để sống, chữa bệnh chứ? Nếu buộc phải làm thủ tục đăng ký lại chữ ký định kỳ 6 tháng thì phải lo cho dân các trường hợp này phải làm như thế nào? Nối mạng thống nhất báo tử để bảo hiểm nắm được là xong dù người đó chết ở bất cứ nơi nào trong nước cũng như ngoài nước có được không? Bao giờ mới làm? và như vậy thì người còn sống là đa số đâu có cần phải trực tiếp đến “trình diện” để ký nữa? Hay có cách làm khác vì “cái gì có lợi cho dân phải hết sức làm”!
2.     Nghiên cứu thu hẹp văn bản cần công chứng có được không? Tôi thấy có nhiều thứ không cần công chứng, chỉ cần bản phô tô cóp py có kiểm tra bản chính là đủ sẽ giảm bao nhiêu thời gian làm việc của bộ phận một cửa và giảm thời gian đi lại của dân. Điều này các cơ quan cấp trên cần nghiên cứu ngay và sớm cho thực hiện. Thí dụ khi tôi mua vé tháng liên tuyến được giảm giá cho người cao tuổi, đã có ảnh, chứng minh thư nhân dân rõ ràng cũng bắt về phường ký đóng dấu vào ảnh và xác nhận tờ khai. Ôi phiền hà bầy việc và tốn thời gian cho bao nhiêu người. Tôi bảo chứng minh thư của tôi là đủ rồi: có đủ ảnh, tuổi, địa chỉ việc gì phải đi đi lại lại về phường rồi lại quay lại nộp. Cô cán bộ bảo trên quy định như vậy, sau này mới chịu sửa?.
3.     Nhất thiết cần lấy ý kiến lắng nghe dân thường xuyên thành văn bản tại các nơi tiếp dân và định kỳ có tổ chức xin ý kiến rộng rãi nhân dân cung cấp dẫn chứng cụ thể khen chê, mong muốn, hiến kế có thưởng như CCB đang làm và các ngành cùng làm hàng năm. Đây là việc cần làm và buộc phải làm dưới nhiều hình thức: chuyên mục nghe dân trên các loại báo về thủ tục hành chính; cử một người ở bộ phận “một cửa” ở các nơi định kỳ chuyên trách đi nghe ý kiến dân; thi đề xuất sáng kiến cải cách thủ tục hành chính của cán bộ “một cửa”; cử phóng viên điều tra ở những nơi dân khen hay dân chê v.v., tất cả những sáng kiến, kiến nghị đúng, khi đem vào ứng dụng tiết kiệm được thời gian, tiền của thì sau đó đều được trích tỷ lệ thưởng do sáng kiến đề nghị đó được áp dụng chẳng hạn. Khó vạn lần dân liệu cũng xong, điều này ta chưa quyết tâm làm có bài bản, có quy mô và định ký.
4.     Cái khó hiện nay là nhân dân ngay cả ở thành phố cũng ít biết về CNTT nên có dùng “đăng ký kết hôn trực tuyến” hay “đăng ký khai sinh trực tuyến” như Khương Mai đã làm thì vẫn ít hiệu quả vì ít người biết, nhưng theo thời gian thế hệ học sinh ngày nay lớn lên sẽ biết, đừng chờ, vẫn phải đi 2 chân, vừa thủ công như cũ, vừa hiện đại qua mạng. Tôi tin sẽ có trung tâm “chơi Games” kết hợp hoặc chuyên hỗ trợ làm việc này trong quá trình phát triển khi dân có nhu cầu nhiều, nhất là dân chưa có điều kiện trang bị máy vi tính nối mạng
Tóm lại, tổng hợp cả chùm 3 bài “Cải cách thủ tục hành chính dưới các góc độ nhìn” thì:
1.     Khâu đột phá của đột phá chính lại là sớm tổ chức chuẩn hóa trình độ hiểu biết và thực hành ứng dụng CNTTcho các người đứng đầu nhất là những người đứng đầu cấp cao hơn phải gương mẫu bắt buộc phải đi đầu càng sớm càng tốt. Hãy giúp ngay các điển hình (như phường Khương Mai, quận Long Biên v.v.) tháo gỡ khó khăn để làm tốt hơn và nhân nhanh các điển hình tốt thành phong trào quần chúng và chính các nơi này thí điểm triển khai các nghiên cứu ứng dụng của các cơ quan chuyên ngành ban hành trước khi phổ biến rộng rái.
2.     Tổ chức lại các bộ phận “một cửa”sao cho họ chủ động sáng tạo tìm cách cải tiến rút ngắn tối đa quy trình thực sự vì dân, làm hài lòng dân với mức cao dần.
3.     Trân trọng nghe dân, thật lòng nghe dân để cải tiến kể cả hủy bó các quy định các quy trình tỏ ra phiền hà, mất thì giờ của dân
4.     Có chế độ đầu tư để hiện đại hóa công nghệ thông tin và chế độ tận dụng các cơ quan trường học đứng ra mở liên tục các lớp bổ túc và nâng cao dần hiểu biết và ứng dụng thực hành CNTT cũng như chế độ thưởng cao các sáng kiến, kiến nghị hay về CCHC
Ảnh minh họa:
Phải tiến công vào công nghệ thông tin để CCHC
Ngày 28/8/2013 viết tại phường Nhân Chính Thanh Xuân HN


Ghi chú 1 bài 1300 từ x 3 bài 3900 từ là tối đa
Thống kê theo Word count : 3753 từ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét