Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

46. Bài viết cho Báo Đại Đoàn kết và báo nhân dân


Tham vấn và phản biện:
Nhất thiết phải dựa hẳn vào 2 lực lượng quyết định
chống tham nhũng.
Tham nhũng là hiện tượng xẩy ra ở mọi nước nhưng ở nước ta nó đã trở thành “tệ nạn” ở mức độ “không ít” ở khắp mọi nơi, mọi ngành từ trên xuống dưới, lại có tổ chức theo “nhóm tham nhũng” bao che bảo vệ chia nhau lợi ích, khi cần thì “thí tốt, thậm chí thí xe” để bảo toàn nhóm tốt nhất, cứu người “tạm thời bị thí” sau này. Chính vì vậy để biến nghị quyết của Đảng về vấn đề này thành hiện thực trong cuộc sống, nhất thiết phải dựa hẳn vào 2 lực lượng quyết định chống tham nhũng là “nhân dân có tổ chức” và “cơ quan thanh tra trong sáng”. Xin có vài suy nghĩ, đề nghị như sau:
Phải phát huy sức mạnh của nhân dân tại chỗ có tổ chức thông qua Mặt trận Tổ quốc ở từng cơ sở:
Điều này dễ hiểu, muốn làm nhưng chưa tổ chức phát huy hiệu lực đủ mạnh kiểu “dân biết, dân bàn, dân phát hiện, dân giám sát đến cùng” , coi đây là tiếng nói “dân nguyện” phải “ưu tiên hàng đầu” xem xét nhanh, xử lý nhanh để động viên nhân dân tiếp tục kiên trì đấu tranh, giám sát đến cùng. Muốn thế, phải chăng cần:
1. Giao cho ban công tác MTTQ từng khu dân cư lắng nghe các nghi vấn “có tham nhũng” để tổ chức hội nghị nghe, phát hiện, bàn, tìm bằng chứng các biểu hiện tham nhũng của cá nhân, của nhóm tham nhũng, bước đầu thẩm định, trao đổi đi trao đổi lại rồi chính thức thay mặt tập thể hệ thống chính trị cơ sở phát đơn chính thức yêu cầu các cấp trên có thẩm quyền buộc phải xem xét trả lời bằng văn bản trong hạn định chung tùy loại vấn đề. Từ việc nhỏ đến việc lớn đập vào hàng trăm con mắt nhân dân dù nhìn ở nhiều góc độ khác nhau cũng phản ảnh được hiện tượng nghi vấn hoặc khẳng định có tham nhũng, lãng phí lớn v.v. như việc làm lại vỉa hè, sửa lại đường trước nhà mình, trong khu vực của mình hay trong mỗi khu dân cư đô thị mới chủ đầu tư đã xây sai quy hoạch chạy theo lợi ích nhóm ra sao? Chuyện tiêu cực trong cung cấp sổ đỏ, giấy phép xây dựng và nhiều việc khác mà dân chứng kiến .
2. Các cấp trên buộc phải công khai hộp thư điện tử để tiếp nhận các văn bản phát hiện của dân do người đại diện MTTQ khu dân cư chính thức được ủy quyền phát ngôn truyền đi lên cấp trên, đồng thời đến các cấp có liên quan để cùng biết, để cùng theo dõi quy trách nhiệm ai phải xem xét trả lời. Thời đại bùng nổ khoa học công nghệ thông tin, nhất thiết phải làm bằng được việc này để nghe dân, trả lời dân được thuận tiện và nhanh nhất, lưu trữ được đầy đủ nhất. Đây là tiếng nói có tổ chức của dân, là “dân nguyện” phải đặc biệt ưu tiên xem xét.
3.Người đứng đấu các cơ quan buộc phải tổ chức cho đơn vị mình đủ khả năng tiếp dân và trả lời dân qua hộp thư điện tử bên cạnh việc trực tiếp tiếp dân theo lịch hàng tuần như đã làm.
Tổ chức được bộ máy thanh tra chuyên nghiệp mà trong sáng:
Lực lượng thanh tra này cần có 2 lực lượng để kết hợp tạo nên sức mạnh mà trong sáng:
1.     Lực lượng trẻ có đạo đức trong sáng, có chuyên môn về nghiệp vụ thanh tra và có trình độ vận dụng ứng dụng công nghệ thông tin làm nhiệm vụ thường trực chuyên trách, định kỳ còn được bồi dưỡng, huấn luyện cách làm và kinh nghiệm của các nơi làm tốt.
2.     Lực lượng cán bộ cao tuổi đã về hưu còn sức khỏe, có trách nhiệm, có hiểu biết nhất định về thanh tra được huấn luyên thêm làm cộng tác viên chuyên trách theo từng chuyên đề khác nhau. Đây là sức mạnh nhân dân tại chỗ tinh nhuệ cùng làm với lực lượng chuyên trách trẻ, cũng là hỗ trợ, giám sát lẫn nhau tăng cường tính trong sáng trong thi hành nhiệm vụ.
3.     Có chế độ thưởng theo tỷ lệ hợp lý kết quả thanh tra kiểm tra đã phát hiện thu hồi được để khuyến khích thanh tra nghiêm túc đúng thực chất đồng thời đây là nguộn vật chất động viên tương xứng để thực sự nghiêm minh, khách quan trong sáng khi làm nhiệm vụ.
4.     Có những vần đề quan trọng, lớn, phức tạp có khi còn cần có thêm đoàn thanh tra chéo đi phúc tra, thẩm định lại xem kết luận đã đúng mức chưa.
Để đảm bảo khách quan, nhất là khi có những vấn để liên quan đến người đứng đầu cơ sở, lực lượng thanh tra này còn chịu trách nhiệm làm việc theo đúng sự chỉ đạo của thanh tra các cấp trên tùy từng nội dung cần thanh tra.
Quy định chế độ trả lời công khai trước dân:
Để thực sự phát huy quyền “dân biết, dân giám sát”, nhất thiết phải có quy định các chế độ công khai trả lời trước dân, thời hạn buộc phải công khai trả lời: loại nào chỉ cần trả lời bằng văn bản, loại nào cần trả lời trước hội nghị nhân dân do MTTQ tổ chức tiếp nghe, bàn, hỏi thêm hoặc nghe dân cung cấp thêm cho sáng tỏ, loại nội dung nào còn thanh tra điều tra tiếp, nghĩa là nói thật công khai cho dân biết.
Sau khi được công khai nghe trả lời, nếu cần dân sẽ bàn, MTTQ sẽ thu thập thêm và sẽ có kiến nghị tập thể mới đưa lên cấp trên hoặc vượt cấp để thanh tra kiểm tra lại..
Tóm lại đấu tranh chống tham nhũng khi đã thành “nhóm tham nhũng chia nhau lợi ích bất chính khéo léo”, nhất thiết phải dùng 2 lực lượng đủ mạnh là “nhân dân có tổ chức” và “lực lượng thanh tra đa dạng tinh nhuệ, trong sáng, đủ sức mạnh” mới gian khổ kiên trì đấu tranh thắng lợi được vì lực lượng này khó mà tự phê bình, cũng sẽ khó phê bình nhau được.
Mong các cấp có thẩm quyền xem xét kiến nghị chân thành này qua thực tiến chứng kiến ở cơ sở nhiều năm nay.
9/8/2012  NGƯT Nguyễn Đức Thuần
Đ.T:  0914.72.76.20 ; Email: ndthuan31@gmail.com

 
Những bất cập trong quản lý nhà chung cư nhìn từ 2 phía.
Nhân đọc bài những bất cập của các khu chung cư của Văn Kim đăng trên báo nhân dân điện tử Cập nhật lúc 02:36, Thứ năm, 09/08/2012 (GMT+7) , tôi thấy đồng tình công tác công tác quản trị nhà chung cư còn bị buông lỏng. Tuy nhiên, cần nhìn từ 2 phía thì mới có định hướng quản lý chung cư bền vững. Xin góp phần bàn và kiến nghị như sau:
Nhìn từ phía trách nhiệm người dân, chủ căn hộ chưa thấy hết cái chung cần đảm bảo:
Các nhà riêng biệt một hay nhiều tầng trong khuôn viên của riêng thì hoàn toàn do chủ nhà tu sửa, tận dụng hợp lý nhưng không được làm ảnh hưởng chung phía mặt tiền cũng như các nhà liền kể phía sau hay 2 bên. Điều này thường rõ và chủ nhà buộc phải tuân theo, nếu vi phạm làm ảnh hưởng đến xung quanh đều “bị kiện” và chính quyền địa phương phải giải quyết.
Còn ở nhà chung cư là hệ thống thiết kế thống nhất, nếu nhà mình sửa chữa nâng cấp rất có khả năng làm ảnh hưởng đến nhà liền kề và căn hộ tầng dưới vì chung tường, chung đường cấp thoát nước, chung các đường khác như cáp thông tin, đường điện, sàn nhà mình lại là trần nhà tầng dưới, ngoài ban công nếu tận dụng ra ngoài khuôn viên sẽ dễ ảnh hưởng, thậm chí nguy hiểm cho các nhà tầng dưới hoặc người đi phía dưới nên không được phép để chậu cây trên bờ tường ngoài ban công v.v. Nếu không có quy định cụ thể, không có quản trị thống nhất sẽ phát sinh tùy tiện mỗi người một ý, một “sáng tạo” tưởng hay mà không có lợi hoặc nguy hiểm cho người khác.
Đấy là trách nhiệm của từng người dân sống trong “tập thể nhà chung cư” ngoài cái riêng còn có nhiều cái chung trong một chỉnh thể thống nhất.
Về góc độ quản lý nhà nước còn quy định theo luật nhà ở đã có hiệu lực từ 1/7/2006 : khi người dân đến ở chung cư chậm nhất 12 tháng chủ đầu tư phải tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ra ban quản trị nhà chung cư để “tự quản” theo đồng thuận, kể cả việc lựa chọn ký các hợp đồng dịch vụ vận hành chung cư với đơn vị làm dịch vụ. Điều này nhà nước chưa quan tậm, chậm hướng dẫn thi hành, làm suy yếu quyền làm chủ tập thể theo đa số của cư dân nên việc buông lỏng quản lý là tất yếu xẩy ra, nếu không sớm khắc phục thì tình hình sẽ ngày càng xấu đi, càng khó khắc phục vì việc đã rồi.
Nhìn ở góc độ chủ đầu tư và sự quản lý của nhà nước cũng buông lỏng, có lợi cho chủ đầu tư và có hại cho dân, cũng chậm nghiên cứu giải quyết:
Việc mâu thuẫn giữa dân với đơn vị của chủ đầu tư tổ chức ra tạm thời quản lý điều hành dịch vụ nhà chung cư tiềm ẩn và đã lần lượt nhiều nơi bùng phát mà nhà nước buộc phải can thiệp và đâu có can thiệp xong? Biểu hiện ban đầu là giá dịch vụ nhất là khi cần tăng giá nên thành phố Hà Nội nghiên cứu ban hành giá trần tối đa nhưng đâu có ổn vì tính quá đa dạng của các nhà chung cư, lại khác nhau về quy mô, về diện tích chung, diện tích riêng và khung giá trần đã “vô tình” tạo ra mâu thuẫn: nơi thấp hơn thì chủ đầu tư đòi tăng cao cho sát giá trần, nơi cao hơn nhiều thì dân đòi giảm giá. Có mâu thuẫn mà 2 bên không thương lượng được thì “bùng nổ” Từ thực tế này Thành phố Hà Nội lại nghiên cứu ban hành đơn giá để làm cơ sở 2 bên bàn bạc công khai dự toán tổng hợp thành giá thực cần. Việc làm này đã tiến gần sát thực tế vốn rất đa dạng loại chung cư nhưng chưa đủ vì còn nhiều vấn đề chưa rõ như chủ đầu tư xây sai quy hoạch ban đầu, diện tích chung không rõ ràng, có khi vốn là chung chủ đầu tư lại biến thành riêng v.v.. Như vậy ở đây bản chất là thanh tra xác định đúng sai phần diện tích chung riêng, là thương lượng và quyền làm chủ của dân bị vi phạm theo luật nhà ở. Thực tế đến nay có nơi chưa lập nổi ban quản trị của dân theo luật nhà ở, có nơi tuy đã lập nhưng không có ai công nhận, có nơi đã lập đã công nhận nhưng chưa có thực quyền vì đâu có cho phép khắc con dấu và mở tài khoản để ký kết các hợp đồng với đơn vị quản lý vận hành chung cư? Làm gì có nhiều đơn vị quản lý vận hành dịch vụ để cạnh tranh lành mạnh trong cơ chế thì trường, để các ban quản trị tổ chức đấu thầu hay chọn thầu.
Như vậy nhìn ở góc độ khác nhau thì đều thấy nhà nước buông lỏng quản lý một mô hình chung cư đô thị mới đã và đang phát sinh mạnh để chủ đầu tư gần như tự điều chỉnh theo hướng có lợi cho mình, tức là có hại cho dân (Sở Xây dựng Hà Nội vừa báo cáo UBND TP về tình trạng vi phạm trong đầu tư, quản lý, khai thác nhà chung cư. Theo đó, qua kiểm tra 12 dự án chung cư tại Hà Nội, đã phát hiện nhiều trường hợp diện tích sở hữu chung do chủ đầu tư quản lý, kinh doanh chưa được hạch toán công khai, chi phí chưa được bù trừ vào giá dịch vụ. Bên cạnh đó, các khoản doanh thu phát sinh từ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ cho toà nhà chưa công khai (như quảng cáo, khai thác tiện ích chung, thu thêm tiền của các hộ không chính chủ); nội dung hợp đồng mua bán căn hộ mang tính áp đặt của chủ đầu tư...) Trong khi đó lại không dựa vào dân, cho thành lập đầy đủ các ban quản trị có thực quyền, giao trả quyền thanh tra kiểm tra, tự quyết có hướng dẫn theo luật nhà ở, phát huy quyền làm chủ của dân để thống nhất quản lý chung cư bền vững, dân cũng không thể tự ý muốn làm gì thì làm như đã xẩy ra.
Là người sống ở trong cuộc, thấu hiểu 2 điều trên, xin các cơ quản quản lý xem xét điều dân nguyện này để thực sự phát huy quyền dân chủ ở cơ sở, tham gia tự bảo vệ chung cư bền vững, ổn định có sự quản lý đúng chỗ mà dân cần đến nhà nước của mình.
 9/8/2012  NGƯT Nguyễn Đức Thuần
18T1/1705 Trung Hòa Nhân Chính Thanh Xuân Hà Nội
Đ.T: 0914.72.7620; Email : ndthuan31@gmail.com

Ảnh minh họa: Chung cư đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét