Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

27. Chung về khiêu vũ cơ bản nên biết


Mở Đầu
Khiêu vũ vừa được coi như một môn nghệ thuật, vừa được coi như một môn thể thao. Nghệ thuật khiêu vũ hấp dẫn rất nhiều người. Có thể chúng ta hay nghĩ rằng Dancing là chỉ dành cho giới trẻ,  tuy nhiên như chúng ta thấy, rất nhiều câu lạc bộ khiêu vũ dành cho người lớn tuổi cũng tập họp đông đảo nhiều người. Một số biết khiêu vũ chỉ bắt chước bạn bè rồi ra sàn nhảy trong những buổi tiệc tùng những buổi nhạc tổ chức tại nhà riêng. Một số khác biết khiêu vũ lấy lệ để xã giao khi có tiệc tùng. Nếu tìm hiểu bộ môn này, ta sẽ thích khiêu vũ hơn. Ở những buổi dạ hội khiêu vũ ta có nhiều dịp làm quen nhiều bạn bè mới, môi trường dễ dàng để gợi chuyện làm quen. Để hiểu thấu đáo bất cứ vấn đề gì chứ không riêng gì khiêu vũ cũng cần chúng ta phải đam mê và có sự nghiên cứu, học tập nghiêm túc. Chúng tôi chỉ muốn chia sẻ và cùng bạn tìm hiểu khiêu vũ với cách tiếp cận đơn giản nhất với mong muốn qua đó bạn có thể tự tin bước ra sàn nhảy trong một buổi tiệc nào đó để lướt đi vài bước nhảy căn bản. Hãy yên tâm, nhảy căn bản không có gì xấu hổ cả, từ từ rồi bạn sẽ quen và học được thêm nhiều. Với mục tiêu là tiếp cận khiêu vũ với cách đơn giản nhất chúng ta sẽ không bàn nhiều về lý thuyết, cũng như học giữa bạn bè với nhau, chúng ta sẽ đi qua lần lượt từng điệu nhảy, bước chân ra sao, tay đặt thế nào...Tham khảo hình ảnh và video là rất cần thiết. Xin bạn đặc biệt lưu ý là những video chúng tôi cung cấp là để bạn tham khảo, hoàn toàn độc lập với phần lý thuyết.


Phần 1 - Những Lưu Ý
Trong khi khiêu vũ bạn phải để ý đến dáng nhảy. Lưu ý vị trí tay đặt cho đúng, đây chính là vấn đề khó nhất khi tự học khiêu vũ. Bạn co thể thấy rất nhiều giáo trình tự học khiêu vũ với sơ đồ bước nhảy, bạn có thể tập bước theo nhưng hầu như bạn không thể hình dung tay bạn phải thế nào, thân người phải ra sao. Thân người không được lắc lư, bước nhảy nhẹ nhàng như lướt đi trên sàn nhảy. Bước chân nhảy phải rơi đúng vào nhịp mạnh của bản nhạc. Lúc nhảy không được nhìn xuống chân, mặt ngó về phía trước, mắt nhìn hướng đi và đưa người bạn gái nhẹ nhàng, tay không được nắm quá chặt. Khi cần nghỉ, bạn đưa người bạn nhảy về những chỗ trống trên sàn nhảy và nhớ tránh không được đụng tới người đang nhảy trên sàn nhảy cùng với mình. Tóm lại bạn cần lưu ý:
  1. Dáng nhảy, bước nhảy
  2. Vị trí tay
  3. Thân người

Một điều hết sức cần thiết trong khiêu vũ là âm nhạc. Bạn có thể chỉ cần biết những bước nhảy căn bản. Nhưng bạn cần nắm vững điệu nhạc và nhịp điệu. Trong vũ trường, chơi theo "tour", bạn có thể theo trình tự mà biết điệu tiếp theo sẽ là gì. Nhưng trong một bữa tiệc tại nhà bạn bè chẳng hạn, nhạc nổi lên là bạn phải biết sẽ nhảy điệu gì. Bạn có thể tham khảo phần âm nhạc để biết thêm. Bạn cũng có thể trực tiếp vào đây để nghe một số điệu nhạc. Tuy nhiên, trong khiêu vũ tiếng trống (Drum Beats) là đặc biệt quan trọng. Bạn cần biết điệu của bản nhạc, bạn đồng thời cũng phải phân biệt được tiếng trống, bước chân đầu tiên phải rơi trúng vào tiếng trống mạnh tức là nhịp mạnh. Những giáo trình hay lớp dạy nhảy thường hướng dẫn bạn "đếm nhạc" -counting the music- xin bạn lưu ý đây là cách đếm nhạc của người khiêu vũ. Tóm lại, bạn cần học và hiểu:
  1. Các điệu nhạc
  2. Cách đếm nhạc
Phần 2 - Đếm Nhạc - Counting Music
Với những ai đã từng học nhạc thì đếm nhạc có thể không thành vấn đề, tuy nhiên cũng cần nhận thức là cách đếm nhạc trong khiêu vũ có phần khác cách đếm nhạc thông thường. Nếu bạn chưa bao giờ học nhạc thì nên chú ý kỹ năng này.
Đây là một ví dụ đếm nhạc thông thường. Bạn click vào Rhythms để chọn một giai điệu, sau đó click vào nút Play (Hình mũi tên) để nghe đếm.
Chúng ta sẽ chỉ bàn về đếm nhạc trong khiêu vũ. Cơ bản có hai cách đếm là dùng số 1,2,3... và dùng từ. Có bốn từ dùng để đếm là Slow ( chậm) , Quick ( Nhanh) , and ( và ) và a ( không cần dịch, đọc như đọc chữ a bình thường trong tiếng Việt).
Bạn vào đây tham khảo cách đếm và tiếng trống của hai điệu nhảy rất thông dụng là Cha cha cha và Rumba. Thay vì one-two-three... bạn có thể đếm một-hai-ba... Thay vì slow-quick..bạn có thể đếm chậm-nhanh..Ví dụ trong Rumba, bạn có thể đếm 1-2-3-4-5-6 hay NHANH NHANH CHẬM NHANH NHANH CHẬM. Hay trong Cha Cha Cha, bạn có thể đếm 1-2-3-4-and, 2-3-4-and-1 hay 1-2-CHA-CHA-CHA.
Đừng quá căng thẳng, thật ra như chúng ta đã nói ngay từ đầu, chúng ta chỉ tìm cách đơn giản nhất để tiếp cận khiêu vũ. Đếm 1 trước hay 2 trước không phải là vấn đề, vấn đề là bạn cần nghe và phân biệt được phách mạnh. Hơn nữa chúng ta học khiêu vũ để thư giãn, để giao tiếp, không phải để trả bài: 1-2-3-4...Chúng ta sẽ bàn từng điệu nhảy trong các phần kế tiếp. Ví dụ đếm nhạc trong Cha Cha Cha
http://www.youtube.com/watch?v=dOahDKfKWYo&feature=player_embedded

Phần 3 - Vũ Trường
Chỉ có vài điều bạn cần lưu ý về vũ trường. Không phải tuyệt đối nhưng nói chung:
  • Những lúc nhạc điệu của bản nhạc với nhịp nhanh, vui tươi, vũ trường để đèn hơi sáng.
  • Ngược lại những bản nhạc nhịp điệu êm dịu, nhịp điệu chậm, vũ trường chìm dưới ánh đèn mờ ảo.

Thông thường trong vũ trường ban nhạc thường chơi nhạc "Tour" nghĩa là cứ 1 bản nhanh, 1 bản chậm. Thứ tự có thể:

  • Pasodoble
  • Slow/Slow Rock
  • Bebop/Roc and Roll
  • Rumba
  • Cha Cha Cha
  • Waltz
  • Tango
  • Pasodoble...
Dù bạn chỉ định học cho vui, phòng khi cần giao tiếp thì bạn cũng nên "đầu tư" một lần đến vũ trường cho biết. Chỉ ngồi uống nước và xem thôi, nhưng bạn sẽ nhanh chóng nắm bắt các điệu nhạc, "ngộ" ra nhiều cái còn chưa nắm rõ... 

Phần 4 - Điệu Waltz
Lúc đầu gọi là Boston, ra đời tại nước Anh, vào khoảng đầu thế kỷ 17. Nếu bạn đọc các tài liệu thì sẽ gặp những cái tên: Valse, Waltz, Boston, English Valse, Valse chậm, Van chậm. Tất cả cũng chỉ là một. Gọi Valse chậm để phân biệt với điệu Valse nhanh tức là Viennese Waltz.
Với giai điệu uyển chuyển duyên dáng, người nhảy điệu Waltz lướt đi sống động với dáng điệu nhịp nhàng.
Trong vòng thế kỷ 18, điệu Waltz đã là điệu nhảy được ưa chuộng và nhanh chóng lan tỏa ra khắp châu Âu. Điệu Waltz hiện đại ngày nay được xây dựng chủ yếu từ sự kế thừa của điệu Boston.

Chúng ta đề cập đến điệu Waltz đầu tiên vì có lẽ đa số các bạn có thể liên tưởng đến nhịp của điệu nhạc này dễ dàng: BÙM CHÁT CHÁT. Waltz được nhảy trong nền nhạc 3/4 được nhấn mạnh vào phách 1(BÙM). Nếu đếm nhạc theo số thì sẽ là 1-2-3. Dù theo cách nào thì bước đầu tiên của bạn cũng rơi vào phách mạnh(BÙM hay 1). Dù là mới mở đầu bản nhạc, giữa bản nhạc, hay đang đoạn cuối bản nhạc, bạn sẽ bước đầu tiên nếu đếm là 1 hay BÙM. Thật ra đếm ra sao không quan trọng, mục đích của đếm nhạc là để giữ đúng nhịp. Bạn hãy nghe bản làng tôi của văn cao và đếm xem: Làng tôi xanh bóng tre.. Chữ làng, xanh, tre... sẽ là 1(BÙM)... cứ tiếp tục như vậy. bạn cứ thử chế ra xem: TÙNG CẮC CẮC, HAY 6-7-8 gì cũng được, miễn là giữ đúng nhịp, TÙNG hay 6 phải rơi vào phách mạnh.
http://www.youtube.com/watch?v=TFAGFyRYyHY&feature=player_embedded


Tango:
http://www.youtube.com/watch?v=NN5S-RDk1LI&feature=player_embedded

1 nhận xét:

  1. Đô Thị Mới T Nhân Chính.
    Cố gắng theo chỉ dẫn của Quý Bạn về khiêu vũ.

    Trả lờiXóa