Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

44. Bài viết dự thi theo yêu cầu CCB


Để môi trường Thủ Đô không còn quảng cáo rao vặt bừa bãi mất mỹ quan đô thị.
Có lẽ chưa Thủ Đô nước nào, chưa Thành phố lớn nước nào lại để tự do quảng cáo rao vặt bừa bãi ở khắp nơi gây mất mỹ quan thành phố như ở Thủ Đô Hà Nội mà mãi không chấn chỉnh nổi. Những người cựu chiến binh thường bàn với nhau: “Bộ đội cụ Hồ việc gì cũng làm được, kẻ thù nào cũng đánh thắng, tại sau lại để Thủ Đô nhếch nhác như bôi nhọ bộ mặt của mình thế này?”. Cựu chiến binh hãy cùng nhân dân tiến công dẹp tan tệ nạn này có được không? Xin tham vấn, phản biện và hiến kế như sau:
Trước hết hãy nghiêm túc xem “Vì sao Hà Nội không biết bao nhiêu lần hạ quyết tâm, ào ạt ra quân trong 15 năm qua nhưng theo thời gian đâu lại vào đấy”. Bất lực hay tổ chức quản lý chỉ đạo chưa tốt?
Hãy xem báo An ninh Thủ Đô số 66 ra ngày 12/5/1997 với tiêu đề “Cần kiểm tra, xử lý quảng cáo rao vặt sai quy định”, có đoạn ghi “Theo báo An ninh Thủ đô số 57 thì ban chỉ đạo 197 Thành phố đã có kế hoạch tăng cường quản lý, kiểm tra xử lý quảng cáo rao vặt sai quy định trên địa bàn thành phố. Đó là các quảng cáo rao vặt đặt, treo, dán trên các gốc cây, cột điện, viết và vẽ trên các bức tường … ở các tuyến phố, khu tập thể, nơi công cộng và các di tích danh thắng. Trước mắt tập trung triển khai một đợt từ 10/4 đến 20/5/1997..” Tác giả bài báo hoan nghênh việc làm này và nhấn mạnh: “1. Phải coi đây là nhu cầu tất yếu nẩy sinh trong cơ chế thị trường.Do không có tổ chức phù hợp, không quản lý kịp thời .. nên đua nhau phát triển tùy tiện, bừa bãi các loại quảng cáo rao vặt làm ảnh hưởng đến cảnh quan đường phố, môi trường sạch đẹp, văn minh của Thủ đô..2. Khi có nơi Quy định rồi thì việc tự giác tháo, dỡ, sơn quét vôi trả lại hiện trạng trước ngày 20/5/1997 như đã quy định. UBND các phường, xã, các tiểu ban chỉ đạo gọi các đối tượng vi phạm đến sửa sai. Gọi không đến sẽ phạt. Ai cố tình vi phạm sẽ phải xử lý phạt nghiêm minh.)
Như vậy là chủ trương đã có, dân đã kiến nghị giải pháp đúng, UBND các phường xã cần vào cuộc v.v. nhưng thời gian trôi qua, đến nay đã 15 năm (tháng 5/1997 – Tháng 8/2012), đã quá nhiều lần ra quân rầm rộ trong đó có đợt làm mạnh dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội nhưng đến nay đâu có thành công, “tệ nạn” bôi nhọ bộ mặt thành phố cứ tồn tại và phát triển, cảnh quan môi trường Thủ Đô thanh lịch văn minh sao vẫn như thế này, chưa thấy ở một Thủ Đô hay bất cứ thành phố lớn nào trên thế giới. Phải chăng đây là “cái nhất” đáng xấu hổ cần phải nhanh chóng khắc phục bằng được.!?.
Nguyên nhân tồn tại kéo dài, chấn chỉnh không thành công? Cựu chiến binh cần “ra tay cứu nước”?
Nguyên nhân đầu tiên chưa thành công của 15 năm “trường kỳ ra quân chấn chỉnh”, theo tôi chính là cách làm “nôn nóng”, huy động đông đảo “lực lượng bên ngoài” đến làm ào ạt tốn kém “cho có phong trào” ăn nhanh nên không bền vững, thiếu giải pháp đúng nên theo thời gian cứ lắp đi lắp lại nhiều lần “đâu lại vào đấy”, có nơi chỉ làm qua loa chỉ xóa kiểu bôi bác thêm xấu đi (xem hình ảnh thật minh họa).
Đón mừng đại lế mà chỉnh trang như 4 bức tường trên mà cũng công nhận sao được? Càng mất mỹ quan, coi như tự bôi nhọ mình kiểu mới mà thôi.
(chụp ở phường Thành Công quận Ba Đình sau đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội)

Nhiều nơi còn không động tĩnh làm gì:
Coi như thành phố đã phát mà không động? Ngay cạnh bảng tin
 của tổ dân phố cũng nhem nhuốc như thế này?
(ảnh chụp tại phường Nhân Chính sau đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội))
Các cách làm trên tất yếu cuối cùng sẽ thất bại như đã từng diễn ra trong 15 năm qua.

Hãy xem một cách làm của một tổ dân phố ngõ 72 phố Chính Kinh, phường Nhân Chính Quân Thanh Xuân do cán bộ tổ dân phố là một cựu chiến binh cứ âm thầm, kiên trì cùng nhân dân tự chăm lo, bảo vệ bằng được bộ mặt môi trường khu vực thuộc tổ dân phố của mình luôn sạch đẹp, ai cố tình quảng cáo là xóa ngay hoặc tổ chức bắt phạt phải tự xóa hoặc nộp tiền để dân xóa nên đã duy trì bền vững được 5 năm nay rồi.  ( xem hình ảnh thật minh họa)

Ngõ 72 phố Chính Kinh , Cựu chiến binh Lê Đình Tuấn cán bộ tổ dân phố vận động nhân dân xóa sạch quảng cáo rao vặt duy trì được 5 năm nay
Từ các phân tích chưa thành công và đã thành công ở một điểm sáng trên, với tinh thần tiến công của cựu chiến binh kết hợp sức mạnh của nhân dân tại chỗ, xin đề nghị vài giải pháp để nhân điển hình này lên :
1.     Giao cho chủ tịch phường xã và chủ tịch quận huyện phải chỉ đạo bằng được và chỉ đạo đến nơi đến chốn việc này với cơ chế thưởng phạt nghiêm túc. Nếu không làm nổi, không nhân được điểm tốt và không duy trì được thì cách chức vì năng lực kém và thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ
2.     Nơi nào có “điểm sáng” như tổ 72 Cụm Thọ phường Nhân Chính thì thưởng kinh phí cho trát, chỉnh trang, quét vôi lại toàn bộ bộ mặt tổ dân phố cho thật sạch đẹp; chỉ ra chỗ cho phép được quảng cáo rao vặt có tổ chức quản lý, đáp ứng nhu cầu cần thông tin chính đáng của dân trong cuộc sống, coi như hỗ trợ hoàn thiện “điểm sáng” điển hình đã có  .
3.     Trên cơ sở này “Nhà nước và Nhân dân cùng làm chỉnh trang” mà các cựu chiến binh đều ra quân tại khu vực của mình, làm lại bộ mặt theo từng tổ dân phố, từng thôn, từng phường xã, coi như tiến tới đồng khởi trên toàn thành phố theo các mẫu “điểm sáng đã hoàn thiện” như là nhân điển hình và tiếp tục tìm các điển hình sáng tạo mới trong nhân dân để nâng cao và duy trì bền vững, không để tái diễn như đã từng xẩy ra nhiều năm về trước.
4.     Trước đó có lập biên bản các số điện thoại của các quảng cáo rao vặt thật đầy đủ làm tư liệu đối chiếu, nếu còn tái phạm sau này sẽ phạt thật nghiêm, thật nặng theo số lần có số điện thoại quảng cáo trước đây trên địa bàn, thậm chí trên toàn lãnh thổ nếu tổng kết thống kê lại được.
5.     Công bố cơ chế thưởng phạt (cho quận huyện, cho phường xã, cho tổ dân phố, riêng CCB có chế độ thưởng riêng của CCB Trung ương, thành phố, quận huyện, cho từng loại tổ dân phố, cho các sở ban ngành có trách nhiệm liên quan v.v.) thật rõ ràng, cụ thể (cho tập thể, cho người đướng đầu các loại) cho mọi người giám sát, thực hiện.
6.     Trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục giáo dục ý thức “giữ gìn bộ mặt thành phố sạch như bộ mặt của mình” khi đi ra đường, ca ngợi các “điểm sáng” đã có và sẽ có kết hợp với các phong trào khác “xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, xây dựng “ người Hà Nội thanh lịch văn minh”, đây là “một công trình toàn dân” đầy ý nghĩa, một bước ngoặt trong tổ chức quản lý và vận động nhân dân tham gia xây dựng đô thị xanh sạch đẹp.
Giả định mô hình sau:
   Cựu chiến binh cơ sở +Hệ thống cán bộ cơ sở + Toàn bộ sức dân có tổ chức ở cơ sở  = Sức mạnh tại chỗ đồng khởi liên tục tiến công.
+
 Chính quyền thành phố ban hành cơ chế thưởng phạt cá nhân và tập thể + Tổ chức thanh tra kiểm tra
+
Hội nghị tổng kết tuyên dương khen thưởng học tập kinh nghiệm sáng tạo của các đơn vị làm tốt để nhân lên, tạo ra cao trào mới

=
Sức mạnh vô địch tại chỗ giải quyết bằng được việc này
Rồi mở rộng làm nhiều việc khác.


Mong rằng lần này thành phố ra quân, quận  huyện, phường xã, toàn lực cựu chiến binh tại chỗ và nhân dân các tổ dân phố, các thôn cùng làm, nhân lên sức mạnh của toàn dân tại chỗ tự làm, tự bảo vệ duy trì đến cùng thì bộ mặt của thành phố hết “bị bôi nhọ”, thực sự sạch đẹp mà cả nước, toàn thế giới nhìn vào.
7/8/2012 : NGƯT Nguyễn Đức Thuần (sinh 29/11/1933)
 viết theo đề nghị của  hội CCB
18T1/1705 Trung Hoà Nhân Chính. Đ.T:  0914.72.76.20
Email: ndthuan31@gmail.com

 
Bài viết dự thi “Cuộc vận động viết về Cựu chiến binh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với công tác bảo vệ môi trường”:
Cựu chiến binh xây dựng mô hình tự quản vỉa hè Hà Nội
Khu đô thị mới chúng tôi – Trung Hòa Nhân Chính thuộc phường Nhân Chính Quân Thanh Xuân được hình thành từ năm 2004, đến nay có 2 chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh tham gia quản lý tổ dân phố và khu dân cư. Các cựu chiến binh này vẫn giữ được nét đặc biệt của “Anh bộ đội cụ Hồ”- “Nói là làm và làm là sáng tạo quyết thắng”. Điều đó thể hiện trong bước đầu xây dựng bằng được tổ dân phố tự quản vỉa hè Đường Nguyễn Thị Định phía giáp đường Lê Văn Lương. Thiết nghĩ điển hình cần được nhân lên trên toàn địa bàn thành phố.
Hai chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh của chúng tôi:
Chi hội trưởng đầu tiên của chúng tôi là đại tá về hưu Hoàng Thọ Diệu sinh năm 1937 ở căn hộ 12A08 chung cư 17T6 Trung Hòa Nhân Chính, kiêm tổ trưởng tổ dân phố nhà chung cư này và còn tham gia đội phó đội tự vệ dân phố khu dân cư, đại biểu H ĐND phường..
Chi hội trưởng thay thế là bộ đội thượng úy chuyển ngành về hưu Phùng Văn Khánh sinh năm 1943, cũng kiêm tổ trưởng dân phố tổ 10 đường Nguyễn Thị Định đầu đường Lê văn Lương, tham gia phó ban chủ nhiệm nhà văn hóa khu dân cư đô thị mới T.
Bức xúc trước nhiều đường phố trên địa bàn Hà Nội cũng như đoạn đường Nguyễn Thị Đinh toàn bộ vỉa hè rộng khoảng 5 mét bị lấn chiếm để kinh doanh hết năm này đến năm khác, không còn lối cho người đi bộ, xe máy đều để dưới đường, buộc người đi bộ phải đi dưới đường phía ngoài, tiềm ẩn tai nạn giao thông, lại gây ô nhiếm môi trường do dùng bếp đun than tổ ong và rác thải sau ăn uống để lại. Công an thình thoảng có xuống dẹp, tịch thu bàn ghế, phạt để xe không đúng chỗ nhưng chỉ được vài nhà, họ bảo nhau chạy dối phó và khi CA rút thì đâu lại vào đó, thậm chí nhiều nhà rủ nhau lát lại vỉa hè cho phẳng đẹp tiện bầy bàn ghế kinh doanh như là sân riêng, trên có mái che di động đẹp có diện tích từ 20 đến 25 m2 của nhà mình. Có người còn nói “vỉa hè này là của chúng tôi tự  bỏ tiền ra xây dựng sạch đẹp để chúng tôi dùng, nhà nước có xây vỉa hè này đâu/”
Nhiều lần họp dân, bức xúc không được giải quyết và nhận thấy cách kiểm tra, phạt của CA chỉ có hạn, không thể có sức liên tục kiểm tra ngày đêm chỉ một nơi này được, nghĩa là chẳng có tác dụng gì về xây dựng tuyến phố văn minh, cảnh quan môi trường khu vực v.v., hai vị cựu chiến binh  có trách nhiệm tâm huyết này đã cùng tổ bảo vệ và cán bộ mặt trận tổ quốc khu vực hạ quyết tâm “tiến công làm bằng được việc giải tỏa này và dựa hẳn vào dân, nhất là dân có mặt phố để lắng nghe, để chính họ bàn, quyết mức độ nào tạm thời được đa số chấp nhận là hợp lý đúng mức rồi cam kết thực hiện, giám sát nhau, có sự hỗ trợ của CA mà thôi”

Lấn chiếm toàn bộ vỉa hè để kinh doanh, xe máy để dưới đường

Ông Khánh áo trắng và Ông Diệu ở giữa quay lưng cùng bảo vệ dân phố bàn chấn chỉnh duy trì bằng được sau khi CA ra quân dẹp gọn

Bước đầu triển khai:
Hai ngày liên tục có CA với 2 xe ô tô đến thu bàn ghế bầy trên vỉa hè không còn lối cho người đi bộ, cắt quảng cáo trên vỉa hè, phạt các xe để dưới lòng đường v.v. Dân hỏi “các anh làm mấy hôm?” “Thế này thì dân đói không kinh doanh dịch vụ ăn uống được nữa, lấy đâu tiền trả tiền thuê nhà 30-40 triệu/tháng”.v.v. và v.v.
Sau khi nghe ý kiến của dân có liên quan dùng vỉa hè, có châm trước thực tế nhu cầu, nguyện vọng làm ăn trong tình hình chung của thành phố, chúng tôi đã đi đến nhất trí tương đối tạm thời thỏa thuận với dân đến từng nhà ký để nghị và cam kết thực hiện như sau:
Nói là làm, vạch sơn theo thỏa thuận và cam kết thực hiện
(ảnh 1 Ông Diệu đứng góp ý kiến; ảnh 4 Ông Khánh đi kiểm tra vạch sơn)

10 giờ đêm tổ chức vạch sơn thống nhất 1,8 m vỉa hè phía ngoài để xe máy; vạch sơn thứ 2 và 3 tạo ra lối dành riêng cho người đi bộ rộng 1 mét; còn lại phía trong tạm thời để cho các nhà bầy bàn ghế đón khách kinh doanh (quãng trên dưới 2 mét trước nhà tùy vị trí.). Hai cựu chiến binh trên đều tích cực tham gia và vận động nhắc nhở dân thực hiện đúng cam kết.
Hôm sau và thỉnh thoáng CA đến kiểm tra bất ngờ để phạt người vi phạm, hỗ trợ cho cán bộ cơ sở làm nhiệm vụ nhắc nhở được thuận tiện.
Một tháng trôi qua, nhìn chung đại đa số nghiêm túc thực hiện không phải nhắc nhở nữa.
Phải chăng đây là mô hình và cách làm về quản lý vỉa hè dù chỉ là tạm thời hiện nay:
1.     Hệ thống chính trị, tổ trưởng dân phố, tổ bảo vệ dân phố, cựu chiến binh chủ chốt “quyết tâm nói là làm và tìm cách làm đến cùng”
2.     Dựa hẳn vào dân tại chỗ, để cho dân biết, dân bàn mức độ hợp lý mà cả trên dưới, nhân dân xung quanh có thể cùng đồng tình “mỗi bên biết điều một chút, nhân nhượng hợp lý” để “đồng thuận” cam kết tự thực hiện vì lợi ích chung và riêng. Chỉ có như vậy mới tạo ra sức mạnh duy trì bền vững.( thí dụ ban đầu lối đi bộ theo quy định chung là 1.5 mét, sau thỏa thuận lui xuống 1 mét để dân có thêm 0.5 mét phía trong thì hợp lý, bền vững trong thực hiện)
3.     Ban đầu, định kỳ nhất thiết phải có lực lượng CA địa phương, khu vực đến kiểm tra, phạt vi phạm để hỗ trợ cán bộ cơ sở làm nhiệm vụ và cũng để “củng cố” ý thức phải tự giác chấp hành điều mà mình đã thỏa thuận cam kết ký vào biên bản chung rồi.
Thế mới biết, “khó vạn lần dân liệu cũng xong”, cán bộ quyết tâm cao nhưng phải “dựa hẳn vào dân” để dân làm, dân thực hiện, dân bảo vệ, dân giám sát, không thể chỉ đem quân đến dẹp từng đợt vừa mất tín nhiệm, vừa không hiệu quả bền vững. Phải chăng đây chính là mô hình hợp lý về quản lý vỉa hè làm cho môi trường cảnh quan đô thi Hà Nội văn minh từng bước thực sự đi vào cuộc sống để nâng cao dần trong tương lai mới duy trì bền vững được.

7/8/2012
NGƯT Nguyễn Đức Thuần viết theo việc làm của CCB khu dân cư
18T1/1705 Trung Hòa Nhân Chính Thanh Xuân Hà Nội
0914.72.76.20. Email: ndthuan31@gmail.com



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét